Chương 3: Họ Khúc
Chương 3: Họ Khúc
Thời gian sau đó Mộc Miên được Mộc Hạ dốc lòng dạy dỗ, nhà nghèo làm gì có tiền mua giấy bút nghiên mực, chỉ có thể lấy cái que gỗ xem như là bút, mặt đất là giấy. Đầu óc cô nhanh nhạy nên rất nhanh đã thuộc hết mặt chữ, buổi tối trước khi ngủ đều ôn lại một lần để nhớ được lâu. Mộc Hạ vô cùng nghiêm khắc, mỗi ngày đều bắt cô thức dậy từ khi gà còn chưa gáy, hết chạy bộ rồi đứng tấn, hết gánh đến nước chẻ củi và rất nhiều việc nặng khác để bồi dưỡng thể lực. Ngoài học chữ ra thì cô còn phải học võ, đánh quyền, kiếm thuật, bắn cung, múa thương. Mộc Miên chưa bao giờ nghĩ mình có thể học những thứ này. Đời trước hai chân tàn phế, thân thể cũng yếu ớt nên hầu như không làm được chuyện gì. Đời này được sống lại lần nữa, cô dồn hết tâm huyết vào việc học, có thể giỏi giang ở một phương diện nào đó thì cũng rất tốt mà. Huống hồ thân xác Mộc Miên còn lĩnh hội nhanh hơn người khác mấy phần. Cơ thể này thật sự là sinh ra để học võ, không hổ danh là con nhà nòi. Mấy năm qua môn phái Vô Pháp của cha cô cũng ngày một lớn, tuy vậy mọi hoạt động đều được làm rất kín kẽ, vùng đất bí mật trong rừng định kỳ sẽ được thay đổi vị trí, quân số đông nhưng sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi tháng chỉ họp mặt đông đủ một lần và không kéo dài quá một canh giờ. Tất cả đều là những người bị ách đô hộ dồn ép đến đường cùng. Có người mất nhà mất của, gia đình ly tán, cũng có người phải nhìn vợ con bán mình làm nô lệ, ai ai cũng khốn khổ cùng cực, không chỉ riêng họ mà ở thời đại này, có ai mà không khổ. Tại đây mọi người chủ yếu là luyện võ, một số ít tinh nhuệ sẽ được giao nhiệm vụ cải trang đi thám thính điều tra. Võ nghệ không phải chỉ để bảo vệ bản thân mà còn phải giúp đỡ người gặp cảnh hoạn nạn. Đó là lời mà Mộc Hạ thường xuyên nói với cô. Suốt bao năm ròng, họ nung nấu ý chí tự chủ, khát khao cuộc sống bình an, yên ổn. Kiên trì ẩn nhẫn chờ đợi một cơ hội vùng lên. Chứng kiến cảnh tượng ấy trong lòng Mộc Miên vừa cảm phục lại vừa dằn vặt. Mọi nỗ lực cố gắng của họ trong thời buổi nhiễu nhương này liệu có thể mang lại một ngày mai tươi sáng hơn không, nhiều lúc cô cũng tự hỏi bản thân điều ấy. Mộc Miên chưa một lần tiết lộ bất kỳ điều gì trong tương lai cho bất kỳ ai. Cô không dám và cũng không tin tưởng một người nào, sợ rằng chỉ cần lỡ lời một câu sẽ làm ảnh hưởng đến bánh xe lịch sử dân tộc, nên sau tất cả chỉ có thể nương theo số mệnh mà sống, nước chảy đến đâu thuyền đi đến nấy.
Chẳng mấy chốc mà Mộc Miên đã tròn mười hai, chiều buông ánh nắng vàng rực rỡ, tiết trời oi bức khiến căn nhà nhỏ càng trở nên ngột ngạt khó chịu. Đêm khuya hôm ấy cha con họ lại một lần nữa đi về phía rừng thông, trong rừng không khí mát mẻ hơn nhiều, khi đến nơi thì Mộc Miên nhìn thấy tất cả mọi người đã tề tựu đông đủ, ánh lửa chập chờn phản chiếu lên từng gương mặt thật thà chân chất, ai nấy đều có vẻ phấn khởi lắm.
"Hạ huynh, tất cả đã được chuẩn bị xong."
Mộc Miên nhìn cây kim sắc nhọn cùng chén mực đen ngòm kia, khẽ nhíu mày.
"Miên, ta đã truyền dạy tất cả những gì ta có ta biết cho con. Con cũng không phụ lòng ta mà ngày đêm luyện tập, thật khiến ta vô cùng tự hào. Nay con đã thành thạo võ nghệ, biết đọc biết viết và cũng tới tuổi trưởng thành rồi. Hôm nay sẽ là lễ kết nạp của con."
Mộc Miên tròn mắt, mới mười hai tuổi mà gọi là trưởng thành thì có quá lố không, ở đời trước thì tầm tuổi này cô vẫn còn cột tóc hai chùm, đeo khăn quàng đỏ đi học đó!
"Còn mấy thứ này để làm gì vậy cha?" Cô hỏi.
"Xăm mình." Mộc Hạ ôn tồn đáp.
"Xăm mình ạ?" Mộc Miên lớn giọng, cô nhớ tục xăm mình là một tục cổ có từ thời Vua Hùng. Vốn bắt nguồn từ kỷ Hồng Bàng Thị, người dân ở trên rừng núi bắt đầu xuống sông hồ đánh bắt nhưng thường bị Giao Long hại. Chuyện được bạch lại với vua, vua cho rằng con Giao Long chỉ ưa cùng loài mà ghét khác loài, từ đó gây nên tai nạn. Vua bèn sai mọi người lấy mực vẽ hình giống "thủy quái", từ đó con Giao Long không cắn hại nữa. Hơn nữa tục xăm mình còn rất phổ biến dưới thời nhà Lý, nhà Trần. Nhưng nhìn đầu kim nhỏ xíu nhọn hoắt kia liền khiến sống lưng cô ớn lạnh từng cơn, không phải cô sợ đau nhưng trời đất ơi cô sợ kim! Bảo sao lúc vua Trần Anh Tông bị thượng hoàng Trần Nhân Tông gọi ra xăm hình thì liền chạy mất tiêu. Gặp tôi thì tôi cũng chạy!
Thế rồi vai trái Mộc Miên được xăm hình một con quạ, cha cô nói con quạ biểu thị sự kết nối tinh thần, tượng trưng cho sự hướng dẫn, bảo vệ, thông minh, khôn ngoan và sự tái sinh. Nó cũng là truyền thống của bọn họ, phàm là người của phái Vô Pháp đều sẽ có xăm một hình chim quạ trên người. Cả hai cha con không tài nào vào giấc, Mộc Hạ ngồi ngoài trời cả đêm, thỉnh thoảng sẽ khẽ thở dài. Mộc Miên biết ông đang lo lắng cho cô, mặc dù những năm qua ông luôn rất nghiêm khắc, nhưng Mộc Miên cảm nhận được ông rất yêu thương cô con gái này. Có thứ gì ngon thứ gì tốt đều để dành cho cô, lúc cô bị thương sẽ xót xa, lúc cô làm sai cũng không nỡ đánh mắng. Bây giờ phải chính tay đẩy con vào chỗ nguy hiểm, thử hỏi có người cha nào mà không đau lòng, không sốt ruột. Là người dẫn đầu ông chỉ đành Đại nghĩa diệt thân mà thôi. Mộc Miên hiểu đây là trách nhiệm của mình, tuy con đường phía trước vẫn luôn mờ mịt và u ám nhưng chỉ cần có thể cho những con người này một tia hy vọng để kiên trì tiếp tục sống thì Mộc Miên cũng đã rất vui rồi.
Hai ngày sau, ánh mặt trời bắt đầu lấp ló sau tàu chuối xanh ngắt. Chiếc bím tóc xinh xinh được chính tay cha tết cho, mặc trên người bộ quần áo lành lặn nhất mà cô có, Mộc Miên đứng soi bóng mình trong cái lu nước nhỏ trước nhà.
"Miên, con tới đây."
"Dạ."
"Cả đời cha không có bất kỳ tài sản gì, cũng không thể cho con được một cuộc sống tốt. Nếu kiếp sau ta vẫn được làm cha của con, ta nhất định nâng niu con như viên ngọc quý trong tay, yêu thương và che chở con suốt đời."
"Cha ơi." Mộc Miên cảm thấy hốc mắt mình cay rát, chín năm qua làm con gái của ông, tình cảm phụ tử đã dần bén rễ trong lòng cô rồi.
"Đây là thứ cha đã cất giữ rất lâu. Con hãy mang nó bên mình, sau này nếu gặp phải nguy hiểm thì lấy mà dùng." Mộc Hạ dúi vào tay cô một con dao găm được bọc trong bao da trâu, cán dao bằng gỗ lim màu nâu đen rắn chắc, lưỡi dao đúc bằng sắt, thanh mảnh mà sắc bén vô cùng.
Mộc Miên dùng cả hai tay nhận lấy, run lên nhè nhẹ. Giai đoạn này sắt được xem là nguyên liệu khan hiếm, đương thời dân ta làm nông là chủ yếu nhưng do thuế sắt nặng nề nên công cụ làm nông cũng từ đó mà trở nên thiếu thốn, thiếu công cụ thì năng suất thấp, năng suất thấp sẽ dẫn đến sự đói kém. Chính quyền phương Bắc vừa có ý đồ kìm hãm sản xuất khiến nước ta trở nên lạc hậu, nhằm bóc lột, cai trị nước ta lâu dài, lại vừa muốn ngăn chặn dân ta chế tạo vũ khí chống lại bọn chúng, thật đúng là vẹn cả đôi đường. Trong lòng Mộc Miên xúc động không thôi, thứ cô đang cầm trên tay không chỉ là thứ vũ khí phòng thân mà chính là tình yêu thương cha cô đánh đổi bằng cả tính mạng để trao cho cô.
Họ Khúc - một trong những họ lớn, đời đời hào tộc, giàu có quyền thế nhất vùng. Người đứng đầu tộc hiện tại là Khúc Nhan, Khúc Nhan nổi tiếng khoan hòa, thương người nên được dân chúng Giao Châu kính phục. Ông ta giữ chức Hào trưởng tại Tống Bình, bấy giờ đứng đầu An Nam là Kinh lược sứ Cao Biền. Về đoạn lịch sử này thì thực sự Mộc Miên không thể nhớ ra nổi, dù sao cô xuyên không đến đây cũng đã gần chục năm rồi, mọi kiến thức bây giờ đều trở thành mang máng. Tuy Khúc Nhan có được tiếng tăm tốt đẹp, nhưng Mộc Hạ vẫn luôn nuôi nghi ngờ. Với thân thế của họ Khúc sao có thể cam chịu làm cái chức Hào trưởng nhỏ nhoi, chỉ sợ ẩn dấu sau đó là âm mưu mua chuộc lòng người. Lợi dụng sự tin cậy của nhân dân để sai khiến họ, trở thành ách cai trị giống như bọn đô hộ. Nhiều năm âm thầm quan sát, Mộc Hạ chỉ biết được họ Khúc luôn qua lại thân thiết với người Hán tại Giao Châu, thậm chí có thể là thông gia. Có điều mọi việc xung quanh họ Khúc luôn được bảo mật, dù có cố gắng thế nào cũng không tìm được manh mối. Hiện tại Khúc phủ cần mua thêm gia đinh và hầu gái, thời cơ tốt như vậy đương nhiên không thể bỏ lỡ. Mộc Hạ lấy cớ con gái đã lớn, nhà lại nghèo không đủ của hồi môn để gả đi nên bán con làm nô xem như bớt một gánh nặng. Mặc dù chuyện của Mộc Miên chỉ là trên danh nghĩa nhưng việc bán con làm nô lệ ở thời này rất nhiều, cô không khỏi buồn thương cho số phận của con người sinh ra tại nơi này. Sinh mệnh của họ giống như con tốt thí trong bàn tay kẻ khác, ranh giới giữa sống và chết, giữa thiện và ác mỏng manh tự như trang giấy.
Phủ đệ họ Khúc nằm ở trung tâm của huyện Tống Bình, tọa lạc ở con đường sầm uất tấp nập nhất là khu biệt viện to lớn tráng lệ, tường gạch cao năm thước bao quanh kiên cố, diềm mái thẳng, mặt mái phẳng có viền nổi. Cửa lớn làm bằng gỗ lim xanh, tay cầm sắt toát ra sự sang trọng giàu có. Trong phủ chia làm ba viện, viện chính dĩ nhiên thuộc về Khúc Nhan bao gồm nơi để tiếp khách, phòng thờ gia tiên và phòng riêng. Viện phụ bao gồm thư trai và là nơi ở của Khúc Thừa Dụ - người kế thừa duy nhất của dòng họ Khúc, cuối cùng là hậu viện gồm có nhà bếp, nhà kho, khu giặt giũ và chỗ ở cho người hầu. Nơi này vô cùng rộng, chỉ riêng kẻ hầu người hạ thôi cũng có đến vài trăm người. Mộc Miên được phân công dọn dẹp và quét tước trong vườn, suốt hai tháng qua đến cả cái gót chân của chủ nhân còn chưa được thấy. Hơn nữa mọi việc trong phủ diễn ra hết sức bình thường, không có một chút đáng nghi nào. Họ Khúc đối với người ăn kẻ ở cũng rất tốt, lúc đến đây sẽ được cấp quần áo, tuy có vẻ đã được người trước mặc qua, nhưng vẫn còn rất mới. Chân đi giày rơm, cơm ngày hai bữa, chỉ cần làm tốt phận sự của mình, không tọc mạch chuyện của người khác thì ở đây lâu dài quả là món hời. Tốt hơn việc ở bên ngoài đi chân trần, chịu đói chịu rét, nơm nớp lo sợ. Tuy vậy, suy cho cùng thì không thể cứ ngoan ngoãn làm việc một chỗ, vẫn phải để ý xem có điều gì bất thường hay không. Cô không phải người phiến diện, sẽ không vì những lời nói của Mộc Hạ mà có ác cảm với họ Khúc, trái lại cũng không vì thế mà buông lỏng cảnh giác. Nếu họ Khúc thực sự là những người lương thiện, thương dân thì đương nhiên Mộc Miên sẽ không làm tổn hại đến họ nhưng nếu Khúc Nhan thật sự ủ mưu thâm độc, khiến dân chúng càng thêm khốn khổ, lầm than thì cô cũng tuyệt đối không làm ngơ.
Hết Chương 3
Chú thích:
1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị, thời bấy giờ người dân ở rừng núi tụ họp xuống sông ngòi bắt cá để ăn thường bị con Giao Long làm hại, gây hoang mang cả vùng. Chuyện được bạch lại với vua, vua cho rằng con Giao Long chỉ ưa cùng loài mà ghét khác loài, từ đó gây nên tai nạn. Vua bèn sai mọi người lấy mực vẽ hình giống "thủy quái", từ đó con Giao Long không cắn hại nữa. Tục "vẽ mình" của người Bạch Việt cũng khởi nguồn từ đây.
2. Cao Biền là một tướng lĩnh triều Đường, được giữ chức An Nam đô hộ, kinh lược chiêu thảo sứ.
3. Năm 679, Giao Châu đô đốc phủ đổi thành An Nam đô hộ phủ, chia làm 12 châu, trong đó có Giao Châu. Giao Châu mới bao gồm 8 huyện: Tống Bình, Long Biên, Chu Diên, Giao Chỉ, Bình Đạo, Vũ Bình, Nam Định, Thái Bình và chỉ là một phần nhỏ của miền Bắc Việt Nam.
4. 1 thước theo hệ thống đo lường cổ Việt Nam bằng 40 cm.
5. Kinh lược sứ: chức danh đại diện nhà vua đi thi hành một sứ mệnh cụ thể và nhất thời.
6. Hào trưởng: người có quyền lực lớn nhất trong một địa phương ở nông thôn thời phong kiến.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Vip