Khói Lam Chiều
Không biết bạn nhớ gì, nhưng mình lại nhớ quê, nhớ má. Mỗi lần đi xa về đứng từ xa trên gò cao, ngó về phía nhà mình. Làng quê nhà thưa thớt, thường tập trung dọc bờ sông. Nhà ai cũng có bến nước, nép cạnh bụi dừa nước hay hàng dừa cao. Bến nước là nơi xuồng cập vào nhà, là nơi trẻ con tắm mỗi chiều, là nơi tình tự vu vơ của trai gái mới lớn, ngồi thả chân xuống nước, khuấy chân nhè nhẹ nhìn ánh trăng tan... Trăng thanh gió mát, bến nước là nơi đến, nơi đi của bao chiếc xuồng con ba lá, của bao chuyến đi dọc ngang của những chiếc ghe tam bản lặc lè sản vật miền sông nước, là nơi gặp gỡ, chia tay bịn rịn của bao mối tình quê...
Cứ nghĩ như vậy nên dù ở xa vẫn nhớ về làng quê cũ, nhớ mái lá chiều về trên mỗi góc bếp, nhớ khói lam chiều. Thấy khói nhà mình biết má đang nấu cơm ở nhà. Cái áo màu sậm, mỏng manh đôi chỗ đã sờn, che thân hình gày gò nhưng đảm đương nuôi một bầy con. Lớn các con bay đi xa, như muốn quên cái bến nước trước nhà, quên mẹ già bên bếp lửa hồng.
Mỗi lần về quê, con chỉ đứng từ xa, thấy khói lam chiều bốc lên là phân biệt, khói từ nhà ai bay lên. Nhà bác Năm, nhà cô Bảy, nhà mình... lòng chộn rộn. Ăn cơm khắp chốn nhưng không đâu ngon bằng cơm má nấu. Nhiều khi ở xa, ăn tiệc thịt cá đầy bàn nấu món Tây, món Tàu mà vẫn chống đũa nhớ về bữa cơm rau quê nhà. Mua cho má bếp điện, bếp gas nhưng ngày má ở nhà vẫn thui thủi nấu cơm bằng bếp củi. Một nắm lá dừa, một nhánh củi biền... cũng xong. Hỏi má cứ nói, ờ để bữa nào mưa gió, hoặc có đám tiệc gì thì nấu. Ai đời một bình gas xài cả năm không hết.
Đọc sách, chuyện kể có người đi tìm bụt. Đi nhiều nơi, tìm nhiều chỗ vẫn không thấy. Gặp một ông lão, ông bảo: Về nhà đi, bụt ở nhà đó. Bụt quàng áo cà sa, chân không mang dép. Người ấy ngạc nhiên: Tại sao bụt ở nhà ta? Đang đêm về đến nhà, người ấy gõ cửa. Biết con về, người mẹ quàng tấm mền, vội vã chân không mang dép chạy ra mở cửa.
Má ơi! Bụt của con. Con đã về đây!
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Vip