Thói quen tiết kiệm
Thói quen tốt từ những việc nhỏ: Tiết kiệm - Thói quen nhỏ, lợi ích lớn
Mở bài:
Khi đời sống phát triển, nhu cầu con người tăng cao mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, con người buộc phải biết sử dụng nó tiết kiệm hơn để đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững. Đó là nói ở tầm vĩ mô. Thực tế trong cuộc sống, chúng ta cần tiết kiệm để tích lũy nhiều hơn của cải vật chất làm giàu cho bản thân và đất nước. Thói quen tiết kiệm là đức tính cần có ở mỗi con người.
Thân bài:
Tiết kiệm là gì?
Theo nghĩa đơn giản, tiết kiệm là hành vi sử dụng vật chất một cách có hiệu quả, không lãng phí, không xa xỉ hoặc làm mất mát, tổn thất hay thiệt hại. Tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn mà là hành động tác động vào vật chất để sinh lời một cách hiệu quả nhất.
Tiết kiệm biểu hiện ở các mặt: tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian,...
Tại sao sống phải biết tiết kiệm?
Người xưa thường nói: "Giàu có do trời, ấm no do cần kiệm". Đó chính là một đức tính tốt đẹp con người thường nhắc nhở mình.
Con người chỉ là một thực thể trong tự nhiên, luôn bị tác động bởi các quy luật. Bằng trí tuệ con người từng bước tách mình ra khỏi tự nhiên, làm chủ cuộc sống nhưng vẫn phải tuân thủ các quy luật của nó. Không có gì là vô tận. Tất cả những vật chất trên trái đất rồi cũng sẽ được sử dụng hết. Tài nguyên sẽ cạn kiệt nếu chúng ta không biết sử dụng nó một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Lối sống tiết kiệm sẽ giúp ta tích lũy được nhiều hơn, tránh được sự lãng phí, thất thoát về tiền bạc, sức lao động và các nguồn tài nguyên. Sự giàu có chủ yếu được bồi đắp bởi hành vi tiết kiệm từng ngày.
Tiết kiệm thể hiện sự trân trọng của con người đối với thế giới xung quanh, với xã hội loài người và sức lao động của con người. Cuộc sống luôn công bằng. Nếu ta biết nâng niu, trân trọng và phát huy các giá trị tốt đẹp nhất định sẽ nhận được thành quả tốt. Nếu ta lãng phí hoặc hủy hoại một giá trị hữu ích nào đó nhất định bản thân sẽ nhận về hậu quả lớn.
Tiết kiệm thể hiện một nhân cách cao cả. Đó là lối sống lành mạnh, tiến bộ và văn minh. Một con người văn minh là một con người phải biết tiết kiệm. Sống thực hành tiết kiệm là đóng góp lớn vào việc bảo vệ sự sống trên trái đất, phát triển cuộc sống thịnh vượng và bền vững. Tiết kiệm là tự làm giàu cho bản thân, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm như thế nào?
Hãy thực hành tiết kiệm một cách đơn giản nhất. Đầu tiên là tiết kiệm của cải vật chất. Tiết kiệm từ cây bút, trang vở, quyển sách, thức ăn,... Nếu tính thành tiền nó thật nhỏ bé. Nhưng nó là sự kết tinh lao động của biết bao con người, biết bao tài nguyên. Đừng bao giờ phung phí tiền bạc, dù nó là của bạn. Đó là lời khuyên chân thành của các tỉ phú. Bởi sự giàu có là do quá tích lũy từ nhỏ đến lớn và rất lớn.
Hãy thực hành tiết kiệm thời gian một cách nghiêm khắc nhất. Bởi của cải mất đi bạn sẽ lấy lại được. Còn thời gian trôi đi bạn sẽ không bao giờ có được một lần nữa. Phung phí thời gian là sự lãng phí lớn nhất của con người.
Hãy xây dựng lối sống giản dị, thanh cao, không đua đòi hay chạy theo vật chất tầm thường. Con người cao đẹp là bởi do đức tính. Sự phù phiếm của hình thức chỉ là giả tạo. Hầu hết người thành công đều lựa chọn lối sống bình dị, hòa hợp với thiên nhiên và tìm lấy cho mình một sự thanh thản. Vật chất làm giàu cho cuộc sống, còn thời gian sẽ làm giàu cuộc đời bạn.
Hãy tiết kiệm lời nói và suy nghĩ nhiều để bạn có thể thành công hơn. Con người sinh ra ai cũng muốn nói nhiều, ít suy nghĩ. Đó là một nhu cầu tự nhiên. Hãy làm việc nhiều hơn thay vì chỉ biết nói. Tiết kiệm lời nói sẽ làm cho các mối quan hệ trở nên bền chặt, thắm thiết. Nhưng cũng không nên quá tiết kiệm lời nói một cách thái quá. Hãy cởi mở để chia sẽ tri thức, tình yêu thương, gắn kết tình thân. Lời nói tuy giản dị nhưng thực sự có thể mang lại hạnh phúc cho nhiều người.
Thực hành tiết kiệm và khuyên bảo, giúp đỡ người khác tiết kiệm. Một xã hội phồn vinh là một xã hội mà ở đó có rất nhiều người sống biết tiết kiệm. Họ sẵn sàng cho đi những gì mình có, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó nhưng không bao giờ lãng phí của cải, thời gian, sức lực mà không mang lại một sự hữu ích nào đó cho bản thân mình hoặc cho người khác.
Bài học:
Sống biết tiết kiệm nhất định sẽ thành công. Tiết kiệm và sử hiệu quả của cải vật chất sẽ làm cho tâm hồn thanh thản, giúp con người tìm thấy được sự sống đích thực.
Là học sinh, cần phải biết tiết kiệm nhiều hơn. Bởi học sinh chưa thể tự mình tạo ra của cải vật chất. Học sinh cần rèn luyện lối sống tiết kiệm để biết quý trọng của cải vật chất và sức lao động của người thân, của xã hội đã dành cho mình.
Hãy luôn nhớ rằng sự lãng phí chính là tội lỗi đầu tiên của con người trên con đường tiến đến tương lai.
Kết bài:
Không còn cách nào khác là phải thực hành tiết kiệm để có thể thành công. Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là một trong bốn đức tính (cần, kiệm, liêm, chính) cần có ở mỗi con người. Người cũng nói rõ, thiếu một trong bốn đức tính ấy thì không thể thành người tốt được.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Vip